- Người dùng sử dụng nhiều thời gian vào ứng dụng tiền điện tử
- Những bằng sáng chế kỳ lạ của Apple mà bạn không ngờ tới
- Bật mí cách nhận diện các cuộc gọi giả mạo lừa đảo người dân đơn giản nhất
Để được cấp Giấy phép lái xe (GPLX) ô tô hay mô tô, người dân đều phải trải qua kỳ thi sát hạch cả lý thuyết và thực hành bắt buộc. Lợi dụng tâm lý sợ thi trượt của người dân, nhiều đối tượng đã đưa ra nhiều triêu trò nhằm trục lợi như việc tung tin lên các mạng xã hội quảng cáo: “làm GPLX giá rẻ” hoặc “làm GPLX lấy ngay”, “bao thi trống trượt GPLX”, “Thi GPLX không cần có mặt”… một số người dân do không hiểu biết đã chuyển tiền cho những đối tượng này để rồi “Tiền mất, tật mang”.
Cảnh giác với chiêu trò làm giả Giấy phép lái xe qua mạng xã hội
Hiện nay, trên MXH tràn lan các dịch vụ quảng cáo làm GPLX mà không được kiểm soát. Nhiều đối tượng đã nắm bắt được nhu cầu học viên, sự nhẹ dạ và tâm lý đám đông, sử dụng Facebook, Zalo cùng với chiêu trò quảng cáo “bao đậu” 100% mà không cần học và không cần thi. Thực tế không khó để có thể tìm kiếm các dịch vụ làm GPLX trên MXH.
Lướt qua một lượt trên Facebook, nhiều tài khoản với tên: Cấp, đổi Bằng lái xe; tư vấn GPLX, Trung tâm đào tạo và sát hạch X, Y, Z… đăng tải công khai việc làm GPLX với nhiều nội dung như: Đăng ký là có bằng – không cần thi; không cần thi – gói siêu Víp dành cho các bạn không có thời gian – sẽ có người thi hộ lý thuyết và thực hành…
Mặt khác, để tạo sự tin tưởng cho người dân, các tài khoản này đều đưa ra khuyến mãi, hỗ trợ mùa dịch, ship COD toàn quốc, bằng thật – có hồ sơ gốc, đảm bảo khi nhận bằng sẽ Check mã QR, không nhận cọc trước… Chi phí để có một GPLX, nếu hạng A1 từ 1,2 – 1,3 triệu đồng; hạng B2 từ 3,5 – 4,5 triệu đồng (bao trọn gói)… Khi bình luận vào các tài khoản này, ngay lập tức nhận được sự mời chào nhiệt tình và chắc chắn như “đinh đóng cột” là có bằng lái xe sau khi đăng ký từ 7 đến 10 ngày.
Chưa biết “thực hư” thế nào, nhưng việc làm GPLX “cấp tốc” được quảng cáo hấp dẫn trên MXH dẫn đến việc người dân rất dễ rơi vào cái bẫy của bằng lái xe giả mà bản thân không được đào tạo kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông sẽ gây ra nhiều hệ quả khó lường khi điều khiển phương tiện.
Trao đổi vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ngọc Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT), cho biết: Đánh vào tâm lý của người dân về việc hạn chế đi lại trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các đối tượng đã tuyên truyền làm GPLX không phải học, không phải thi.
Tuy nhiên, điều này là không thể xảy ra, bởi hiện nay các nội dung sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe trong sa hình, trên đường trường được thực hiện thông qua thiết bị chấm điểm tự động và ảnh của thí sinh được chụp trực tiếp in trên bài thi.
Ngoài ra, các đối tượng cam kết có bằng sau khi đăng ký 7 ngày là hết sức vô lý, bởi theo quy định thời gian đào tạo hạng B1 số tự động là 76,5 ngày; B1 số sàn trong vòng 88,5 ngày, B2 là 92,5 ngày, hạng C là 140 ngày mới được phép dự thi chứng chỉ, sau đó mới sát hạch để cấp GPLX. Mặt khác, khi đăng tải quảng cáo, các đối tượng không đề cập đến giấy khám sức khỏe của học viên, trong khi đó đây là điều kiện bắt buộc trong quy định tuyển sinh và sát hạch cấp GPLX cơ giới đường bộ.
Những điều lưu ý về đào tạo lái xe:
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở đào tạo lái xe đủ điều kiện gồm: Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh (tổ 8, phường Quang Trung, TP Hà Giang); Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe Bình Vàng (Khu công nghiệp Bình Vàng, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên); Trung tâm đào tạo điều khiển phương tiện giao thông Hà Giang (tổ 5, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang).
Theo quy định, tất cả các hạng GPLX bắt buộc đăng ký và tham gia đào tạo tại cơ sở đào tạo có đủ điều kiện, riêng hạng A1 đối với những người biết đọc, viết tiếng Việt thành thạo thì không bắt buộc phải học, có thể tự học nhưng bắt buộc phải dự thi sát hạch. Sau khi các cơ sở đào tạo gửi báo cáo đăng ký sát hạch, Sở GTVT sẽ xét duyệt và ra quyết định tổ chức kỳ sát hạch lái xe. Về học phí quy định, đối với hạng A1 là 235 nghìn đồng/học viên, hạng B1 dao động từ 6 - 7,5 triệu đồng/học viên, B2 dao động 6 - 8 triệu đồng/học viên (tùy vào từng cơ sở đào tạo).
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thắng nhấn mạnh thêm: Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, Sở GTVT đã ban hành văn bản số 923/SGTVT-VTPT&NL ngày 10.8.2021; số 152/SGTVT-VTPT&NL ngày 21.2.2022 về việc tuyên truyền học, thi lấy GPLX và công bố số điện thoại đường dây nóng liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định pháp luật trong việc đăng ký thi GPLX.
Xác định việc học và thi GPLX là việc làm cần thiết, học thật, thi thật, đủ thời gian nhà nước quy định, vì an toàn của cá nhân và xã hội, không nên nôn nóng mà chạy theo các dịch vụ nhanh gọn hay các dịch vụ làm bằng giả để dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Vì vậy, khi có nhu cầu thi GPLX, người dân nên đăng ký tại các cơ sở đào tạo và thi tại trung tâm sát hạch lái xe được cấp phép. Không nên nghe theo các chiêu trò dụ dỗ từ các đối tượng lừa đảo.
Mong rằng bài viết "Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo làm giả giấp phép lái xe trên mạng xã hội" sẽ giúp bạn tránh được tối đa những vụ lừa đảo tràn lan trên mạng xã hội hiện nay. Để cảnh báo cho chính bạn và người thân bạn bè.
Hãy để lại ý kiến thắc mắc hoặc ý kiến đóng góp ngay dưới đây để bài viết có thể hoàn thiện hơn nhé!
Chia sẻ bài viết ngay nếu như bạn thấy nó hữu ích!
SSK xin chân thành cảm ơn!
Để lại bình luận
5