Một số cựu nhân viên TikTok nói họ phải họp 85 giờ mỗi tuần, những cuộc họp căng thẳng nhất thường diễn ra vào cuối tuần hoặc sau 22h.
Nơi hạnh phúc nhất trên Internet, nhưng họp tới 85h mỗi tuần?
Theo WSJ, TikTok tự nhận mình là nơi hạnh phúc nhất trên Internet. Nhưng ở ngoài đời, môi trường làm việc ở đây vô cùng căng thẳng, áp lực và luôn phải giữ bí mật ở cấp độ cao. Để khuyến khích nhân viên đổi mới và tránh tự mãn, các khẩu hiệu như: "Luôn luôn như ngày đầu", "Hãy thẳng thắn và chính trực", "Hướng đến mục tiêu cao nhất"... được dán khắp văn phòng .
Một số nhân viên cũ của TikTok tại Mỹ cho biết họ phải họp trung bình 85 tiếng mỗi tuần và phải làm thêm giờ để hoàn thành công việc. Một số người gặp vấn đề về cân nặng, căng thẳng tinh thần đến mức phải tìm đến dịch vụ tư vấn sức khỏe. Một nữ nhân viên nói cô thậm chí không dám xin rời cuộc họp để đi lấy băng vệ sinh.
Theo WSJ, tăng ca và quản lý chặt chẽ không phải điều xa lạ ở các startup công nghệ. Tuy nhiên, những người từng làm ở nhiều công ty khác nhau đều đánh giá cường độ ở TikTok là bất thường.
Văn hóa làm việc "bán mạng" tại đây đang được các cựu nhân viên chia sẻ khắp các nền tảng như YouTube, Medium. Melody Chu, cựu giám đốc sản phẩm cấp cao của TikTok, viết trên Medium: "Làm tại TikTok giúp tôi trải nghiệm những điều mà tôi không thể tưởng tượng được. Các cuộc họp căng thẳng nhất thường diễn ra vào cuối tuần hoặc sau 22h do chênh lệch múi giờ. Nó khiến tôi lo lắng suốt ngày và không thể ngủ vào ban đêm". Chu kể cô thậm chí phải bỏ nhiều bữa tối với chồng. Thời gian cô trò chuyện với đồng nghiệp ở Trung Quốc nhiều hơn bạn đời chung nhà. Tất cả sở thích của cô bị công việc đè bẹp, thời gian ở bên cha mẹ cũng trở nên xa xỉ.
"Tôi sẽ không bao giờ nhận việc ở TikTok nếu biết mình sẽ phải trả giá đắt như vậy", Chu chia sẻ hồi tháng 1. Tuy nhiên, cô cũng cảm ơn môi trường làm việc ở đây vì đã giúp cô vượt qua nhiều giới hạn của bản thân.
Chloe Shih, một cựu nhân viên khác tại văn phòng TikTok California, nói trong một video trên YouTube: "Tôi chắc chắn mình đã mắc hội chứng thiếu ngủ do làm quá muộn vào buổi tối. Phần lớn nhân viên công ty thức dậy khi tôi còn ngủ nên lúc nào tôi cũng trong tâm trạng lo lắng không yên".
Các cựu nhân viên TikTok ở Mỹ cho biết để tham dự cuộc họp từ xa với giám sát viên ở Bắc Kinh, họ thường phải bắt đầu tuần làm việc vào chiều Chủ nhật, tức là sáng thứ Hai ở Trung Quốc.
Đào thải khốc liệt
Xuezhao Lan, người sáng lập và đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Basis Set Ventures, nói: "Rõ ràng không ai thích phải làm việc đến hai giờ sáng, nhưng nếu nhân viên không làm nhiều giờ, họ sẽ không thể bám trụ ở công ty".
"Vẫn có rất nhiều người muốn ở lại con tàu cao tốc đó. Nhiều nhân viên chấp nhận chịu đựng áp lực công việc cao khi nhìn về triển vọng lên sàn chứng khoán của công ty mẹ", Pabel Martinez, cựu giám đốc quảng cáo của TikTok, nói.
Một số nhân viên cho biết công ty đề cao văn hóa cạnh tranh bằng cách cho nhiều nhóm cùng làm một việc để xem ai có thể hoàn thành trước. Chiến lược này giúp đẩy mạnh năng suất nhưng lại khiến họ luôn căng thẳng, lo sợ mình sẽ thua kém đồng nghiệp. Số khác cảm thấy bực bội vì dự án của họ không bao giờ được hoàn thành.
Một vấn đề khác trong văn hóa làm việc của TikTok là các nhân viên không bao giờ biết sơ đồ nhân sự trong tổ chức. Đây là đặc trưng của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc nhằm tránh đối thủ cạnh tranh đánh cắp thông tin. Jamie Lim Yin Yin, một cựu nhân viên tại Singapore, cho biết cô mất nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm các đồng nghiệp trên LinkedIn xem họ thuộc đội nào. Đây là một trong những lý do khiến cô rời TikTok cuối năm ngoái chỉ sau bốn tháng gia nhập công ty.
Pabel Martinez cho rằng trong các bài thuyết trình với đồng nghiệp, thông tin về dữ liệu thường bị ẩn. Người quản lý cũng được yêu cầu không chia sẻ dữ liệu với nhân viên cấp dưới. Nhiều cựu nhân viên cho biết họ cảm giác "không được tin tưởng", luôn trong tình trạng đề cao bảo mật với đồng nghiệp.
Lucas Ou-Yang, cựu giám đốc nhóm kỹ thuật TikTok ở Mountain View, viết trên Twitter: "TikTok thu hút rất nhiều nhân tài đầu quân nhưng tỷ lệ đào thải vô cùng cao. Áp lực theo kịp các đồng nghiệp Trung Quốc và làm việc theo lịch trình của họ khiến cả 10 giám đốc sản phẩm ông biết cùng rời đi trong vòng một năm".
Bạn có muốn làm việc trong môi trường như Tiktok không?
Để lại bình luận
5