Sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt rất “khát” nguồn vốn để khôi phục, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước cũng như phía ngân hàng.

Những khó khăn của Doanh nghiệp khi vay vốn

1. Khó đáp ứng điều kiện vay vốn

Thiếu tài sản thế chấp; quản trị dòng tiền kém; kế hoạch kinh doanh thiếu minh bạch, khả thi là những thách thức thường gặp của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn tín dụng.

Khát vốn là thực trạng nhiều doanh nghiệp gặp phải, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.

Ông Hoàng Thuỵ, Giám đốc Công ty chuyên về chế biến nông sản, đồ uống tại Biên Hoà cho biết, doanh nghiệp rất cần vốn, ngân hàng cũng rất cần giải ngân, nhưng hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là tài sản thế chấp. Gói vay ông từng tìm hiểu mức lãi suất khá thấp nhưng cần có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, tài sản có thể thế chấp đã được doanh nghiệp sử dụng cho các khoản vay trước nên không đảm bảo điều kiện vay.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, công ty Du lịch Ba miền cũng gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng vì doanh nghiệp thuộc ngành này thường không có tài sản thế chấp, trong khi vay tín chấp cũng không dễ.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp, để tiếp cận vốn vay của ngân hàng, doanh nghiệp buộc phải không có nợ xấu nhưng đồng thời phải có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản bảo đảm... Trong khi đó, sau khi trải qua hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp không tránh khỏi tình trạng nợ xấu hoặc chưa có lợi nhuận.

"Cánh cửa vay vốn tín chấp đối với các doanh nghiệp nhỏ gần như quá hẹp, thậm chí còn khó hơn cả vay vốn bằng tài sản đảm bảo", ông Bình - Giám đốc Công ty Ba Miền bày tỏ.

Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn
Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn

2. Báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy

Theo nhiều chuyên gia, điểm yếu lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là thiếu tài sản đảm bảo mà là kém trong quản trị dòng tiền.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp mới bắt đầu tham gia kinh doanh, hệ thống kế toán, tài chính chưa được cập nhật thường xuyên, tính minh bạch của thông tin chưa cao. Hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin, hoặc thông tin chưa chính xác, gây khó khăn cho phía ngân hàng khi thực hiện thẩm định thông tin khách hàng. Bên cạnh đó, việc thiếu bài bản trong quản lý tài chính doanh nghiệp dẫn đến ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ nên sẽ hạn chế cho vay.

3. Các sản phẩm tín dụng dành cho các Doanh nghiệp chưa phong phú

Trong một vài năm trở lại đây, các TCTD (đặc biệt là nhóm các NHTM cổ phần) đã có sự chủ động mở rộng tiếp cận đối tượng khách hàng. Một số sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho đối tượng khách hàng là DNNVV (Doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã được các ngân hàng đưa ra nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn khác nhau. Các ngân hàng cũng đã cố gắng đa dạng hóa các hình thức tài sản đảm bảo như chấp nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa, các khoản phải thu hoặc cho vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) trong một số sản phẩm nhất định.

Tuy nhiên, về cơ bản các sản phẩm tín dụng dành cho khối DNNVV vẫn phải được xây dựng trên nền tảng của Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng được ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN (Quy chế 1627) được áp dụng chung đối với DNNVV cũng như doanh nghiệp có quy mô lớn, từ đó, có những bất lợi nhất định đối với DNNVV. Các hình thức đảm bảo khoản vay bằng hàng hóa hay các tài sản khác bất động sản chỉ mới được áp dụng với các khoản vay ngắn hạn, trong khi đó, hầu hết các khoản vay dài hạn đều yêu cầu tài sản thế chấp là bất động sản.

Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn
Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn

4. Quy mô vốn vay và thời hạn khoản vay chưa đáp ứng được nhu cầu của Doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận vay với số vốn thấp hơn và thời hạn ngắn hơn thực tế đòi hỏi của dự án kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp phải tiếp cận các khoản vay phi chính thức để bù đắp phần vốn bị thiếu, làm tăng chi phí vốn và giảm mức lợi nhuận của dự án. Chênh lệch về kỳ hạn cũng khiến cho doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền, khó khăn trong quản trị tài chính. Những điều này có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của phương án/ dự án sản xuất kinh doanh, và do vậy cũng ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực trả nợ và lợi nhuận của DNNVV.

Chi phí vốn vay cao do mức lãi suất cao trước đây cũng là một trong những khó khăn của DNNVV để sử dụng các khoản tín dụng bao gồm cả tín dụng chính thức và tín dụng phi chính thức. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, lãi suất các khoản cho vay từ hệ thống ngân hàng đã từng bước được điều chỉnh giảm, làm giảm chi phí vốn vay và hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để duy trì ổn định lãi suất và từng bước điều chỉnh mức lãi suất xuống thấp hơn nữa.

5. Doanh nghiệp chưa hoàn thiện được hồ sơ vay vốn ngân hàng

Từ việc lập kế hoạch và quản trị dòng tiền còn lúng túng, dẫn tới Doanh Nghiệp chưa biết cách hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng rõ ràng và hợp lý. Gây nhiều khó khăn cho cán bộ tín dụng trong việc xác định nhu cầu vay, thẩm định tài sản và giải ngân.

Với hơn 40% DNNVV hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dự án kinh doanh thường chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi khả năng huy động vốn nhanh. Trong khi đó, các TCTD hiện nay hầu như không phục vụ các khoản vay có thời hạn dưới 1 tháng, thủ tục vay vốn ngân hàng thường kéo dài, thời gian giải ngân lâu, do vậy không phù hợp với nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực mới, lĩnh vực đặc thù cũng khó tiếp cận được các khoản vay từ các TCTD do thông tin từ các lĩnh vực đó quá ít, các TCTD không có đầy đủ thông tin cũng như không đánh giá được tính hiệu quả của phương án/dự án sản xuất kinh doanh.

Đối với việc vướng mắc ở định hướng và cách lập hồ sơ, Doanh nghiệp có thể tham khảo một số đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn và hoàn thiện hồ sơ vay vốn ngân hàng, để có thể nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và giúp thúc đẩy quá trình tiếp cận nguồn vốn, giải ngân và sử dụng nguồn vốn được hiệu quả.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn cho Doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Đặng Thái Bình, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, càng gần cuối năm, doanh nghiệp càng chạy nước rút với kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra cũng như hoàn thiện các đơn đặt hàng, do đó, họ rất cần dòng tiền để quay vòng. Tuy nhiên, việc tiếp cận được vốn ngân hàng đối với doanh nghiệp luôn là thách thức không nhỏ đặt ra đối với họ. Xét cho cùng, điều này vẫn tùy thuộc phần nhiều vào chính năng lực của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp cần đảm bảo sự trung thực và minh bạch của báo cáo tài chính, chứng minh dòng tiền có thể trả nợ... Nếu doanh nghiệp không có phương án kinh doanh hiệu quả, không đảm bảo được khả năng trả nợ mà phía ngân hàng vẫn cho vay thì sẽ rủi ro an toàn tín dụng", Tiến sĩ chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, cần tiến hành đánh giá, sàng lọc doanh nghiệp theo từng ngành, địa phương để vốn được đưa đến đúng những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và sử dụng tốt, từ đó, tiếp thêm sức và tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh Chính phủ điện tử, gửi văn bản hướng dẫn thủ tục tiếp cận các chính sách hỗ trợ đến từng DN qua hòm thư điện tử hoặc đăng tải thông tin hướng dẫn chi tiết, công khai, minh bạch, rõ ràng và cụ thể trên trang thông tin của Chính phủ.

Ngoài ra, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả. Thực hiện minh bạch tài chính để được ngân hàng duyệt vốn nhanh. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong. Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn
Những khó khăn của Doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn

Kết luận - Những khó khăn của Doanh nghiệp khi vay vốn

Vốn luôn là yếu tố quan trọng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, là “nguồn oxy” tiếp sức để doanh nghiệp phục hồi, gượng dậy sau đại dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu được triển khai thông suốt từ trên xuống dưới sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, trợ lực tốt cho doanh nghiệp, nhưng nếu ngược lại sẽ khiến doanh nghiệp bị "hụt hơi".

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến giữa tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. Tín dụng chủ yếu được tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Có thể thấy, dòng vốn từ ngân hàng vẫn là điểm tựa tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, tận dụng cơ hội cao điểm để phát triển thành các doanh nghiệp quy mô trong tương lai. Bởi vậy, cùng với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt, hiểu rõ quy trình đăng ký khoản vay, từ đó chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần và đủ để gia tăng cơ hội tiếp cận vốn thành công.

Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, Theo Theo VNexpress